Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao khi ở trong nhà trong một thời gian dài hoặc bị cô lập ở một nơi quá lâu, bạn sẽ cảm thấy buồn chán và bức bối? Ngay cả khi bạn là một người hướng nội, điều này cũng sẽ khiến cho bạn khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
Đó là do “Cơn sốt cabin” (Cabin Fever), một hội chứng tâm lý khiến những người mắc phải cảm thấy buồn chán và bức bối trong người. Nếu bạn đã hoặc đang có những dấu hiệu kể trên, hãy cùng đọc bài viết ở bên dưới để tìm hiểu về hội chứng này nhé!
1/ Cơn sốt Cabin khiến ta khó kiểm soát được bản thân
Khái niệm cơn sốt Cabin đã xuất hiện từ thế kỷ 18 tại Bắc Mỹ. Hội chứng này trước đây chỉ diễn ra ở những nơi có thời tiết khắc nghiệt, khi người dân phải ẩn náu trong các căn nhà nhỏ để tránh bão tuyết. Còn hiện nay, hội chứng có thể xảy ra với bất cứ ai khi không được phép ra khỏi nhà hoặc bị cô lập quá lâu trong một thời gian dài. Những người bị sốt Cabin sẽ có các triệu chứng như:
- Luôn có cảm giác bồn chồn, chán nản, thiếu kiên nhẫn và liên tục khó chịu
- Hay cáu gắt vô cớ dẫn đến có nhiều suy nghĩ tiêu cực.
- Không thể tập trung cao độ làm việc, thiếu động lực và chẳng còn hứng thú với việc gì ngoài nằm ườn ra lướt web hoặc ngủ.
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thường xuyên thèm ăn hoặc chán ăn.
Đâu là nguyên nhân sâu sắc dẫn đến hội chứng sốt Cabin?
Con người vốn là loài có tính xã hội hóa cao, vì thế chúng ta luôn có cảm giác tốt hơn khi được kết nối với nhau. Ngay khi phải chuyển từ môi trường tương tác sang lối sống cách biệt, không thể ra ngoài tham gia các hoạt động yêu thích, ta sẽ dễ có cảm giác khó chịu. Ngoài ra, những nỗi lo lắng trong quãng thời gian này (ví dụ như việc thiếu thu nhập hoặc thất nghiệp, có quá ít hoặc không có việc gì làm) cũng là nguyên nhân khiến ta rơi vào tình trạng Sốt Cabin.
Tưởng chừng hội chứng này không có gì nghiêm trọng, nhưng về lâu về dài sẽ khiến ta mắc phải các bệnh tâm lý liên quan. Hội chứng Cabin chủ yếu tác động đến tâm lý của chúng ta, gây rối loạn lo âu các mức độ khác nhau, làm rối loạn giấc ngủ khiến cơ thể suy nhược. Nghiêm trọng hơn, sốt Cabin khiến ta mất đi các hứng thú làm việc, dẫn đến tình trạng trì hoãn dài ngày.
2/ Ta cần làm gì để vượt qua được hội chứng này?
Cuộc sống với rất nhiều những biến động không lường là lúc mà cơn sốt Cabin vẫn có thể nhen nhóm và sẵn sàng xâm chiếm chúng ta một lần nữa. Vậy chúng ta cần làm gì để vượt qua chúng?
- Dành thời gian dọn dẹp: Đặt điện thoại xuống và dọn dẹp phòng ngủ, bài trí lại góc làm việc, tưới cây, hòa mình vào thiên nhiên, chơi với thú cưng,…
- Thiết lập thời gian biểu để luôn có việc để làm: Để không rơi vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, việc thiết lập một thời gian biểu hợp lý sẽ đặt bạn vào một trạng thái bận rộn nhất định, tránh chán nản vì nhàn hạ quá mức.
- Quan tâm gia đình nhiều hơn, liên lạc với một vài người bạn cũ: Kết nối với mọi người sẽ đẩy lùi cảm giác cô đơn, lạc lõng. Ngoài ra nó còn là cơ hội tốt để thắt chặt các mối quan hệ.
- Học một kỹ năng mới: Mỗi khi học thêm được một chút, chúng ta tận hưởng cảm giác hạnh phúc đặc biệt, được khơi gợi từ sự tò mò bản năng. Vì thế, hãy chọn bất cứ một kỹ năng nào bạn thấy hứng thú, như là học chơi ghi-ta, chỉnh ảnh, đan móc hay trồng cây.
- Tập thể dục: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất sẽ giúp sản sinh hormone thư giãn endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và nâng cao sức khỏe.
“Cơn sốt” nào cũng đều cần thời gian để hạ nhiệt. Hãy kiên trì một chút vì tinh thần của chúng ta cần thời gian để thích ứng với những sự thay đổi. Đã đến lúc ta cần thích ứng với thời cuộc, liên tục học hỏi, cải thiện tư duy, phát triển những kỹ năng mới để có một cuộc sống trọn vẹn và yêu đời hơn bạn nhé!
Bài viết phối hợp giữa ESight.vn và tổ chức MYSO để chia sẻ kiến thức về Tâm lý học đến với độc giả.