Với số lượng gần 200 cửa hàng toàn quốc, vị trí tọa lạc tại các vòng xoay ở các tỉnh thành với chi phí mặt bằng đắt đỏ, cửa hàng vắng bóng người qua lại nhưng thương hiệu Nón Sơn vẫn trụ hơn 20 năm. Vậy rốt cuộc doanh thu Nón Sơn đến từ đâu? Chiến lược kinh doanh của Nón Sơn là gì?
Nón Sơn được biết đến từ một cửa hàng kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TPHCM từ 1996, sau hơn 20 năm công ty Nón Sơn sở hữu 193 cửa hàng trên khắp cả nước. Số cửa hàng tại Hà Nội là 20 và Hồ Chí Minh là 57 cửa hàng, còn lại tập trung ở một số tỉnh thành khác. Đặc điểm chung của các cửa hàng nổi bật bởi tông màu chủ đạo và nằm ở các vị trí đắc địa thuộc vòng xoay nhiều con phố lớn.
Một nghịch lý đặt ra rằng, sản phẩm Nón Sơn giá vừa cao, vừa đắt, cửa hàng vắng bóng người qua lại nhưng vẫn trụ được hơn 20 năm, bí mật đằng sau mô hình kinh doanh này là gì, cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
1/ Cửa hàng nằm ở vị trí đẹp, nhiều người qua lại, giảm chi phí Marketing
Với số lượng gần 200 cửa hàng trên toàn quốc đã tốn phần lớn chi phí của công ty, chưa kể vị trí tại các vòng xoay với số tiền mặt bằng không hề nhỏ. Đánh vào vị trí với số lượng người qua lại đông với mục tiêu tăng mức độ nhận diện thương hiệu với thiết kế độc lạ bắt mắt đã khiến nhiều người đi qua không khỏi liếc mắt nhìn một lần.
Mục tiêu của Nón Sơn trước mắt là tăng mức phủ sóng thị trường, tiếp cận người tiêu dùng bằng hình ảnh và chất lượng. Một quản lý của một cửa hàng Nón Sơn từng chia sẻ: “Nón Sơn là thời trang, mà thời trang là phải chất lượng”
Nón Sơn đã sử dụng chiến lược kinh doanh “án ngữ” (chắn lối ra vào tại các khu vực) ở các vị trí phong thủy này coi như công cụ làm thương hiệu cực kỳ hiệu quả cho Nón Sơn.
2/ Nguồn khách hàng chủ yếu là đại lý và các doanh nghiệp
Nguồn thu chính của Nón Sơn không đến từ việc bán lẻ cho khách khi đến cửa hàng mua. Nguồn thu của họ chủ yếu đến từ các công ty với nhu cầu làm quà tặng cho các nhân viên, đối tác và khách hàng trong những ngày lễ lớn trong năm.
Bên cạnh đó, một nguồn thu khác của Nón Sơn là đến từ các đại lý và đội ngũ bán hàng online. Rất nhiều các cá nhân, tổ chức đến đăng ký làm đại lý vì độ phủ cửa hàng rộng khắp và sự tồn tại hơn 20 năm đã tạo nên một thương hiệu lớn khiến các đại lý sẽ dễ bán hơn các loại nón thông thường khác.
Vì phân khúc chính là khách hàng doanh nghiệp và các đại lý lớn nên Nón Sơn rất chú trọng về khâu sản xuất, đưa chất lượng lên ưu tiên hàng đầu. Nón Sơn có rất nhiều dòng sản phẩm được sản xuất thủ công với thiết kế tỉ mỉ tới đường kim mũi chỉ. Vì vậy, mức giá nón sơn cao hơn rất nhiều so với thị trường bên ngoài, dao động từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng cho một chiếc nón.
3/ Tiết kiệm chi phí nhưng vẫn giữ được độ phủ về thương hiệu
Chiến lược kinh doanh của Nón Sơn là tiết kiệm. Tuy vậy, họ vẫn giữ được độ phủ thương hiệu của mình ở khắp nơi. Vậy họ đã có thể thực hiện nó như thế nào?
- Tiết kiệm một phần chi phí mở cửa hàng offline bằng các kênh digital: Ngoài việc tăng độ phủ tại các cửa hàng offline, Nón Sơn cũng đã bắt kịp xu thế đón đầu tăng độ phủ trên kênh online. Cụ thể là Nón Sơn hiện đã phát triển trên các kênh thương mại điện tử tại Lazada Mall, Shopee Mall, Tiki, … đều có tài khoản hoạt động, đồng thời hãng còn có đại lý phân phối trên Sendo nhằm tăng độ nhận dạng thương hiệu của mình digital.
- Tiết kiệm chi phí khâu vận hành: hiểu được phân khúc khách hàng chủ yếu là sỉ và doanh nghiệp nên việc bố trí nhân viên tại các cửa hàng không quá nhiều (từ 1 đến 2 nhân viên) nhằm tiết kiệm chi phí quản lý nhân sự cho gần 200 cửa hàng.
- Tiết kiệm chi phí khâu sản xuất: Chọn mặt hàng đúng ngay từ đầu là Mũ, một mặt hàng ít cạnh tranh do ai cũng nghĩ nhu cầu quá bé để đầu tư, chưa có thương hiệu đi đầu về mặt hàng này nên Nón Sơn đã dồn tổng lực đầu tư ngay từ đầu. Vì mặt hàng là Mũ mang tính đơn giản, nên khoảng chi phí đầu tư máy móc sản xuất sẽ thấp hơn rất nhiều so với các mặt hàng thời trang khác.
Bạn nghĩ như thế nào về chiến lược của Nón Sơn, hãy để lại comment ở phía dưới