fbpx
anh 3
Search
Close this search box.

|

‘Why not’ Curnon – Chuyện về những người trẻ dám nghĩ dám làm

Facebook
LinkedIn

‘Why not’ Curnon – Chuyện về những người trẻ dám nghĩ dám làm

Mục lục

Curnon là một startup trong lĩnh vực đồng hồ được ra đời bởi Nguyễn Quang Thái và 2 nhà đồng sáng lập khác. Curnon có nghĩa là “Why not” – “Tại sao không” thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của người trẻ. Tháng 12/2016, đánh dấu cột mốc những chiếc đồng hồ Curnon được chính thức bày bán trên thị trường. Năm 2018, Curnon được biết rộng rãi sau khi tham gia chương trình Shark Tank mùa hai và các shark rót vốn 5 tỷ và nhận tăng trưởng doanh thu vượt bậc lên đến 700%. Cuối năm 2019, Curnon cán mốc doanh thu 1.5 triệu đô.

Thị trường đồng hồ Việt vốn một cuộc “chơi lớn” được định giá “nghìn tỷ”. Đây cũng là cuộc chơi trước đây chỉ dành cho các thương hiệu ngoại có “máu mặt” trên thị trường. Vậy vì sao Curnon lại quyết tâm “bám trụ” với “cuộc chơi” này? Họ đã và đang “vượt vũ môn” như thế nào trong hành trình 4 năm từ những ngày đầu mới thành lập của mình? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết bên dưới nhé

1/ Thị trường đồng hồ “nghìn tỷ” – Ngại gì mà không “chơi lớn”

Theo một số liệu, thị trường đồng hồ Việt được định giá đến hơn 750 triệu đô (hơn 17 nghìn tỷ đồng). Với quy mô thị trường như vậy, nhóm các “anh đại”, “chị đại” gia đã và đang tham gia vào “cuộc chơi” này, điển hình với thương hiệu PNJ, Doji với phân khúc thị trường đồng hồ dành cho nữ, Thế Giới Di Động với phân khúc dành cho nam dưới 10 triệu. Thị trường đồng hồ cũng là thị trường đầy có tỷ suất lợi nhuận có thể đạt đến 60-70% nên rất hấp dẫn để các thương hiệu bán lẻ gia nhập miếng bánh đầy tiềm năng này.

Hiện tại, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có thể chia ra thành 2 phân khúc chính: đồng hồ thời trang và đồng hồ kinh điển. Đối với với đồng hồ thời trang, các sản phẩm từ đến các thương hiệu thời trang nổi tiếng và không chuyên về đồng hồ như Michael Kors, Calvin Klein, Daniel Wellington hay Emporio Armani… Còn lại là các nhóm sản phẩm kinh điển lại đến từ các thương hiệu chuyên về đồng hồ từ các nước như Thụy Sỹ (điển hình với Rolex, Omega, FC, Tissot…) hay Nhật Bản (với Seiko, Citizen, Orient, Casio…). Có thể thấy, đây vẫn là cuộc chơi của những hãng đồng hồ ngoại vốn có thương hiệu từ lâu đời.

Nhìn chung, thị trường đồng hồ còn phân mảnh với nhiều phân khúc giá từ thấp đến trung bình (dưới 10 triệu) cho đến nhóm phân khúc cao cấp. Chính vì vậy, đây chính là một cơ hội cho Curnon có thể xây dựng nên một thương hiệu Việt có thể đi tiên phong, đặc biệt là với nhóm phân khúc đồng hồ dưới 10 triệu dành cho đại đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, với ngành đồng hồ nói riêng và các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, quan niệm hàng Việt giá rẻ, không đảm bảo chất lượng đã ăn sâu người Việt. Từ đó, tâm lý sính ngoại cũng đi kèm theo. Đây cũng có thể được xem là thử thách “cực lớn” để Curnon phải “vượt vũ môn” nếu muốn thành công trên chính sân nhà của mình.

2/ Thương hiệu của những người trẻ dám nghĩ, dám làm

dong-ho-curnon
Nguồn ảnh: Curnon Website

Curnon ra đời trong bối cảnh chưa có một thương hiệu đồng hồ Việt Nam “thực sự” tồn tại trên thị trường vào năm 2016. Ý tưởng ra đời với CEO Nguyễn Quang Thái – một người thích sưu tập đồng hồ khi thấy thương hiệu Daniel Wellington đã “gây sốt” trong cộng đồng những người thích đeo những sản phẩm đồng hồ thời trang. Anh đã đặt câu hỏi “Tại sao người Việt phải sử dụng đồng hồ của các nước khác mà không phải của người Việt Nam?”. Từ đó, anh và 2 nhà sáng lập của Curnon đã bắt đầu thiết kế và sản xuất ra những mẫu prototype đầu tiên.

Họ đã nhìn thấy được một cơ hội thị trường nơi mà một số người trẻ muốn mua những sản phẩm đồng hồ chất lượng nhưng lại không muốn bỏ ra thêm tiền để mua các thương hiệu ngoại đắt đỏ. Đây là ngách thị trường mà Curnon lựa chọn để có thể gia nhập “cuộc chơi”.

Ngoài ra, những nhà sáng lập đã nhìn thấy xu hướng mua sắm của người trẻ Millennial (thế hệ người sinh từ năm 1980-2000) Việt đang có sự chuyển biến rõ rệt. Các bạn trẻ ngày càng cởi mở đón nhận các thương hiệu nội địa (local brand) hơn, vượt qua rào cản tâm lý “sính ngoại”. Các thương hiệu này ghi điểm bởi sự thấu hiểu và đại diện được cho tiếng nói chung của họ. Sự thành công của những thương hiệu như Bitis Hunter cạnh tranh với những “ông lớn” như Nike, Adidas đã chứng minh cho xu hướng này.

Đồng hồ Curnon được thiết kế theo phong cách tối giản (minimalist) và Bauhaus đến từ nước Đức. Các thiết kế này thể hiện được sự hiện đại và lịch lãm dành cho các bạn trẻ. Ngoài ra, ở mặt dưới đồng hồ cũng có hình ảnh trống đồng thể hiện được nét Việt trong sản phẩm. Các sản phẩm được hãng bán ra được trình bày rất đẹp mắt và chu đáo với giá lại mềm hơn so với các thương hiệu ngoại có cùng phong cách như DW, MVMT rất phù hợp với thị trường Việt Nam.

Curnon đã dám chọn đi con đường khó vì bài toán thuyết phục người dùng thay đổi quan điểm, đặc biệt là chứng minh được sự chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cần rất nhiều thời gian và nguồn lực. Chính vì vậy, thương hiệu Curnon ra đời dành cho những người trẻ dám nghĩ, dám làm với mong muốn được đồng hành cùng người trẻ Việt trên hành trình chinh phục ước mơ bản thân.

3/ Hành trình “vượt vũ môn” của Curnon

Curnon cũng gặp không ít các ý kiến trái chiều khi bị nghi vấn liệu chăng đây có phải thực sự là một thương hiệu Việt hay không. Về mặt sản xuất, đồng hồ Curnon được lắp ráp tại Trung Quốc. Trong khi đó, các cỗ máy đồng hồ bên trong lại được sản xuấtt từ Nhật Bản. Còn về thiết kế, nhiều người nhận xét là chưa có nhiều dấu ấn riêng và có phần sao chép khá nhiều từ các thương hiệu đồng hồ khác. Mẫu thiết kế trống đồng ở mặt sau đồng hồ cũng được xem là mờ nhạt, chưa lộ rõ được nét Việt trong thiết kế của đồng hồ.

Về mặt sản xuất, việc hợp tác sản xuất đồng hồ tại Trung Quốc không chỉ có Curnon mà có nhiều thương hiệu đồng hồ khác từ Nhật Bản, Thụy Sĩ, Mĩ và Đức sử dụng phương thức này. Về mặt thiết kế, việc “copy” các mẫu thiết kế từ các thương hiệu kiểu như DW hay MVMT sẽ giúp cho sản phẩm dễ được người dùng đón nhận hơn, từ đó giảm được chi phí “nghiên cứu sản phẩm” và giúp startup có thể tồn tại. Tất cả những “nước cờ” trên đều đều phù hợp đối với một startup bắt đầu từ con số 0 như Curnon. Có thể nói, Curnon đã rất dũng cảm để dám “bị chê” để có thể thực hiện được những mục tiêu lớn hơn của mình.

Tạm kết:

Để Curnon có thể trở thành một thương hiệu đồng hồ Việt đúng nghĩa vẫn còn cả một hành trình dài ở phía trước. Tuy vậy, câu chuyện dám chọn con đường khó để đi truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp – thành công sẽ đến với những người trẻ dũng cảm và dám dấn thân để thực hiện ước mơ của mình. Còn bạn suy nghĩ như thế nào về Curnon, hãy để lại bình luận hoặc chia sẻ nhé!

Chia sẻ

Bài viết cùng tác giả

Bạn cũng có thể thích

Chia sẻ