fbpx
[Closing Ceremony] Esight Banner
Search
Close this search box.

|

Bóng bàn và quản trị

Facebook
LinkedIn

Bóng bàn và quản trị

Mục lục

Với tôi, bóng bàn và quản trị có rất nhiều nét tương đồng với nhau.

Bóng bàn với tôi như một cái duyên. Tôi yêu thích nó, một phần xuất phát từ niềm đam mê của cha tôi với bóng bàn. Phần khác là do thân hình tôi cũng không quá to cao. Vì vậy, tôi chọn bóng bàn như một môn thể thao mà tôi yêu thích nhất.

Bản thân tôi cũng đang là một người trẻ đang khởi nghiệp. Trong quá trình khởi nghiệp, tôi nhận ra giữa môn thể thao mà tôi đam mê và việc quản trị có nhiều nét tương đồng. Vậy những nét tương đồng đó là gì?

1. Người quản trị biết chịu trách nhiệm

Bóng bàn cũng như cầu lông hay quần vợt đều là những môn thể thao đối kháng trực tiếp. Bởi thế, nếu bạn thua trong bất kì trận đấu nào, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bạn. Bạn có thể kể ra một vài lý khi thất bại như: do sức khỏe, do di chuyển chưa tốt, phán đoán không chuẩn hay tâm trạng chưa ổn định…

Nhưng thua vẫn là thua, 100% trách nhiệm thuộc về bạn.

Thành hay bại đều là do người quản trị | Nguồn: Unsplash.com

Còn với người quản trị thì sao?

Các quyết định, các bước đi đội nhóm, có thành công hay thất bại đều là do bạn. Dù bạn có những vấn đề cá nhân (như chuyện tình cảm, gia đình), đã là một nhà quản trị, bạn cần phải luôn giữ được một “cái đầu lạnh”. Bạn vẫn phải đảm bảo cho công việc diễn ra một cách ổn định như thường lệ. Bởi, chính bạn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của cả một tập thể. Người quản trị là vậy.

2. Cái gì cũng cần phải có nguyên tắc và kỷ luật

Nếu bạn cầm vợt sai, bạn sẽ rất khó để có thể chơi được bóng bàn vì bóng sẽ đi lệch so với quỹ đạo mong muốn. Chính vì thế, để chơi bóng bàn một cách hiệu quả, chúng ta nên tập cách cầm vợt cho đúng tư thế ngay từ những ngày đầu tiên.

Quản trị cũng vậy, mỗi con người đều có những cá tính, hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau. Quản trị con người cũng có những nguyên tắc riêng của nó. Và nếu ta không nắm rõ được những nguyên tắc đó thì việc quản trị con người là công việc khó khăn nhất mà chúng ta từng làm.

Đội nhóm muốn thành công là phải có kỷ luật. Hãy tạo kỷ luật cho đội nhóm ngay từ lúc mới hình thành. Một đội nhóm có văn hóa kỷ luật từ sớm sẽ là nền tảng để có thể phát triển các văn hóa khác. Có câu:

“Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”

Học quản trị từ sớm sẽ đỡ tốn nhiều thời gian sửa sai hơn

3. Phải biết cương nhu sao cho phù hợp

Kỷ luật là nền tảng của mọi thành công. Tuy vậy ta không thể áp dụng nó một cách rập khuôn.

Bóng bàn giới hạn về diện tích thi đấu chỉ vỏn vẹn trong sân đấu dài 274cm, rộng 152.5cm và cao 76cm so với mặt đất. Với những người mới tập bóng bàn, nếu đánh mạnh quá thì bóng bay ra khỏi bàn. Đánh nhẹ quá thì bóng không qua lưới.

Một nhà quản trị như người cầm vợt và đội ngũ cũng như quả bóng. Bạn phải biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu. Có người cần phải cương, ngược lại cũng có người ta cần phải nhu. Tình huống nào nên cương, tình huống nào nên nhu một cách phù hợp. Đó là “nghệ thuật” của người làm quản trị.

Người quản trị phải có kỹ năng hiểu rõ tâm lý, hành vi con người qua các mô hình phân loại tính cách như DISC, MBTI… Ngoài ra, ta cũng cần có những kỹ năng quản trị cảm xúc. Từ đó, Nhà quản trị có thể xây dựng các chính sách như: lương thưởng, phúc lợi, quyền lợi cho đội ngũ một cách phù hợp.

4. Nhà quản trị – Đỉnh cao của sự khéo léo

Trong bóng bàn giao bóng có 2 kiểu giao: làm cho bóng xoáy lên hoặc là làm cho bóng xoáy xuống. Nhiệm vụ của người đỡ đòn giao phải phán đoán được đối phương đang giao kiểu gì, bóng bay gần bàn hay xa bàn để có cách xử lý cho phù hợp.

Chơi bóng bàn và làm quản trị đều là một nghệ thuật | Nguồn: Unsplash.com

Nếu đối phương giao bóng xoáy lên mà chúng ta đỡ bằng theo kiểu xoáy xuống, bóng sẽ bay ngoài tầm kiểm soát không như ý chúng ta muốn.

Trong quản trị, việc phán đoán và nhận biết tình huống là khả năng cốt lõi của người quản trị. Khi tinh thần tập thể đi xuống, tinh thần làm việc giảm, nhà quản trị cần phải tìm hiểu rõ lý do. Từ đó đề ra những cách xử lý cách phù hợp. Tuyệt đối tránh tình trạng đưa phán đoán khi chưa tìm hiểu đã vội đưa ra cách xử lý. Đó cũng chính là tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề.

5. Quản trị là Phân công công việc – Mỗi người một việc

Ngoài hình thức đánh solo, bóng bàn còn có hình thức đánh đôi. Đặc điểm của đánh đôi trong bóng bàn được rất nhiều người yêu thích vì độ khó của nó. Mỗi người thay phiên nhau đỡ bóng (1 người không được đỡ bóng 2 lần liên tiếp).

Việc này rất khó, vì sao? Tốc độ di chuyển của trái bóng rất nhanh, diện tích thi đấu lại hẹp. Vì vậy cần đòi hỏi sự phối hợp di chuyển ăn ý của cả 2 người. Ngoài ra, nếu đỡ bóng mà gây lỗi sẽ rất dễ bị đối phương phản công mạnh mẽ. Điều này sẽ gây khó cho đồng đội của bạn khi đỡ bóng.

Vậy trong quản trị, nguyên tắc đó là gì? Đó là mỗi người một việc và phải tự hoàn thành tốt công việc của mình. Trong đội ngũ phải phối hợp hết sức ăn ý, nhịp nhàng tương tự việc di chuyển và đánh bóng. Và đặc biệt hơn, phải luôn hoàn thành tốt nhất công việc của mình được giao, và chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu không người hứng chịu hậu quả và lỗi lầm của bạn chính là người đồng đội của bạn. Cũng như việc đánh bóng bàn: người đỡ sẽ gây lỗi dẫn đến đồng đội mình phải đỡ những đường bóng khó khăn và khiến cả đội thất bại.

Tạm kết:

Bóng bàn và quản trị có rất nhiều điểm tương đồng để khám phá và tìm hiểu. Chơi bóng bàn cũng như đang học quản trị vậy. Học mà như chơi, chơi cũng như học. Khởi nghiệp và quản trị cũng vậy, nếu thực sự đam mê, bạn rồi sẽ tìm được cách để “Làm mà như chơi”.

Tặng bạn câu nói của Tim Cook, CEO của Apple trước khi kết thúc bài viết này: “Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào” ^^

Bạn nghĩ sao về bài viết của mình, hãy nêu quan điểm ở bên dưới nhé!

#ESight #Startup #Entrepreneur

Chia sẻ

Bài viết cùng tác giả

Bạn cũng có thể thích

Chia sẻ